Đăng bài - Hoặc quảng cáo vui lòng liên hệ TVN Group - hệ thống website chất lượng cao:

0972434351tvnseos@gmail.comZalo

5 món đặc sản Nam Trung Bộ đã ăn là “ghiền”

0

Cập nhật vào 02/07

Mảnh đất Nam Trung bộ với rất nhiều món ăn ngon mang nét đặc trưng riêng. Hãy cùng khám phá những món ăn này trong bài viết dưới đây.

1. Gỏi cá Mai Phan Thiết

Cá mai vốn là một loài cá nhỏ có hình dáng gần giống cá cơm, thịt trong veo nhưng đặc biệt không có máu nên ít mùi tanh. Vì thế khi dùng làm gỏi, món cá này càng thêm lạ miệng và hấp dẫn.

Gỏi cá mai đặc sản Phan Thiết

Miếng cá mai trộn thính màu trắng đục cuốn rau sống xanh, cà rốt cam, thơm vàng, khế chua, chuối chát chấm với nước chấm đậu phộng rang giã nhuyễn. Nhón thêm một củ tỏi hay trái ớt đỏ cay nồng, càng ăn càng thêm khoái khẩu, càng cuốn càng muốn dùng nhiều.

Người Phan Thiết mua cá mai theo ký lớn về nhà rồi tự tay làm sạch, bỏ đầu, bóp nhẹ vào lườn cho cá tách thành hai mảnh rồi rút xương. Muốn thịt cá thêm phần săn chắc thì thả vào âu nước đá lạnh.

Trước khi đem ra làm món gỏi hay bún cá, người ta đem ướp cá với một ly nước cốt chanh hoặc giấm rồi bóp nhẹ cho ráo nước, xóc đều cá với ít gia vị, bày cá ra đĩa, rắc thính giã nát và một ít hành lá, hành trắng.

Tiếp đến, dùng bánh tráng mềm hay bánh trắng phơi sương cuốn một ít rau sống, dưa leo… và cá mai, chấm với nước chấm đậu phộng nữa thì thật tuyệt vời!

Vị thơm của rau xanh, vị mát của dưa leo cộng hưởng với vị ngọt tự nhiên của cá mai càng lúc càng đậm đà nhờ nước chấm đậu phộng đặc trưng. Từng miếng từng miếng cá mai cứ thế đánh thức vị giác, ngọt đến tận chân răng!

Một điều cốt yếu khác cũng làm nên “thương hiệu” cho món gỏi cá mai đó chính là chén nước chấm được pha bằng đậu phộng rang giã nhuyễn và nước mắm ngon, ít ớt bột và tỏi xay. Đậu phộng giã càng nát càng bùi càng béo khiến cho cuốn gỏi cá mai càng chấm nhiều càng ngon hơn.

Nếu có dịp thử qua một lần món gỏi cá mai Phan Thiết, hẳn bạn sẽ ăn đến no căng mà miệng vẫn thòm thèm.

2. Bánh hỏi lòng heo Bình Thuận

Bánh hỏi nơi nào cũng có, lòng heo lại càng không phải món hiếm, nhưng muốn ăn miếng bánh hỏi ngon thì phải về Bình Thuận. Khách đường xa đã từng một lần thử món này tại đây đều phải tấm tắc khen như thế.

Bánh hỏi lòng heo Bình Thuận

Bánh hỏi Phú Long mới nhìn qua tưởng đơn giản, nhưng chế biến cũng rất công phu. Để có được bánh hỏi bạn thưởng thức vừa ý, người làm bánh phải chọn gạo tốt ngâm với nước lã một đêm, sau đó vo và xả đi xả lại ba bốn lần, rồi qua các công đoạn tỉ mỉ khác để làm ra từng sợi bánh trắng tinh, ráo hỏi.

Riêng luộc lòng, chọn thịt không phải là điều giản đơn. Dĩa lòng phải có đủ tim, gan, cật, phèo non và nhất định không thể thiếu thịt ba chỉ.

Muốn lòng và thịt ngọt ngon, có độ giòn thì sau khi vớt khỏi nồi nước sôi lập tức thả ngay vào một thau nước đá được chuẩn bị sẵn, chính cái lạnh của đá sẽ làm cho bề mặt miếng thịt se lại, giữ nước ngọt của thịt và đặc biệt làm miếng thịt, miếng lòng vừa trắng vừa giòn.

Bánh hỏi lòng heo thường được dùng trong dịp cưới xin, tiệc tùng hoặc điểm tâm sáng. Khi ăn, cuốn bánh tráng với bánh hỏi lòng heo, kẹp rau sống ở giữa, rồi chấm nước mắm chanh đặc biệt.

Tiêu chuẩn của một dĩa bánh hỏi ngon là cọng bánh phải nhỏ bằng que tăm tre, các miếng bánh không bị rời ra hay vón cục, khi cắn vào miệng người ăn không thấy bở, lúc nhai kỹ thì cảm nhận được vị ngọt của bột gạo, vị béo của dầu dừa và mùi thơm của rau hẹ.

3. Mì Quảng

Cũng như phở, bún hay hủ tiếu, Mì Quảng cũng được chế biến từ gạo nhưng có sắc thái và hương vị riêng đặc biệt.

Mì được làm từ lá bánh tráng thái thành sợi, nhân mì thường được chế biến từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau: tôm, gà, thịt heo, thịt bò, cá lóc, cua… và có cả mì chay dành cho người hành đạo.

Mỳ Quảng là món ăn đặc trưng của Nam Trung Bộ

Nhưng là nhân gì đi nữa thì mì Quảng cũng không thể thiếu cái bánh tráng nướng, trái ớt xanh, lát chanh, vài hạt đậu phộng và đĩa rau sống đi kèm. Rau để ăn mì Quảng thường là rau muống chẻ nhỏ hoặc cây cải con trộn với búp chuối non thái mỏng, rau thơm, rau quế…

Ăn mì Quảng nên ăn vào buổi trưa. Gắp một đũa mì cho vào miệng, cắn một miếng ớt thật cay, húp 1 ngụm nước lèo cho phát ra tiếng “soạt”, khi đó mới thấy cái thú, mới thấy cái ngon đầy miệng.

Và phải ăn ngay, ăn từ khi còn nóng. Mì Quảng mà để nguội sẽ mất ngon, lá mì sẽ bị tơi ra, rau sống héo đi, cái mùi thơm giòn của rau, đậu sẽ bị tản bớt…

Đến Quảng Nam bạn có thể dễ dàng bắt gặp nhiều quán ăn mì Quảng nằm dọc Quốc lộ 1A luôn đông đúc khách sành ăn: quán mì gà Bình Nguyên (huyện Thăng Bình), quán mì gà Kỳ Lý (thị xã Tam Kỳ), quán mì tôm cua Cây Trâm (huyện Núi Thành), quán mì bò Cẩm Hà (thị xã Hội An)… Một tô mì cũng không quá đắt với giá trên dưới 20.000 đồng.

Bạn cũng có thể tự làm món mì Quảng này ngay tại nhà với Cách nấu mì Quảng củ nén dưới đây.

4. Cao lầu Hội An

Có hình thức giống với mì Quảng nhưng cao lầu là một món ăn có nhiều nét đặc trưng riêng biệt của mình. Một bát cao lầu đầy đủ gồm có sợi mì tươi, một ít sợi mì khô chiên giòn, thịt lợn thái lát và ít nước dùng.

Cao lầu Hội An

Để có được sợi mì dai giòn cần phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ lúc ngâm gạo thơm trong nước tro rồi lọc cho kỹ, xay gạo ra, bòng, rã cho ra nước, rồi lại nhồi, hấp nhiều lần nữa và cuối cùng đem phơi khô.

Những sợi mì tươi, điểm xuyết vài sợi mì khô chiên giòn, vài miếng thịt lợn thái lát mỏng, chan lên chút nước dùng ngon ngọt, đậm đà, ăn kèm với rau đắng, cải con hay húng lủi thì cứ gọi là ngon hết nấc.

  • Chia sẻ với bạn 1 món ăn rất đặc biệt và khá “dị” của Tây bắc: Ve sầu rán Lai Châu.

5. Bê thui Cầu Mống – Đà Nẵng

Có thể nói bê thui Cầu Mống là niềm tự hào của người dân nơi ngôi làng nhỏ nằm ở phía bắc đầu cầu Câu Lâu – cây cầu bắc qua sông Thu Bồn, trên tuyến quốc lộ 1 thuộc địa bàn xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam. Và ai từng nếm thử bê thui Cầu Mống một lần cũng mê hương vị hấp dẫn đặc biệt này.

Bê thui Cầu Mống – Đà Nẵng

Nghệ thuật thui bê nơi đây gần như là bí quyết gia truyền và hiện không còn nhiều người làm được, bởi thế đã tạo nên hương vị ẩm thực riêng biệt mang đậm bản sắc địa phương. Trước khi thịt bê được đưa ra khỏi lò phải đạt đủ hai tầng thịt tái, chín rõ rệt, còn da thì phải chín đến độ trong suốt, đồng thời lại giòn mềm vừa phải.

Món bê thui còn nổi tiếng bởi mắm cùng rau sống ăn kèm. Mắm nêm thường được lựa chọn bởi những vùng chài làm mắm nổi tiếng, pha thêm các gia vị như tỏi,ớt, gừng sao cho đậm đà vừa ăn.

Rau ăn kèm với bê thui cũng rất phong phú, bao gồm loại rau quế, tía tô, xà lách, cải non, khế chua, chuối chát xắt lát mỏng, ngò thơm , húng, quế và giá đỗ…

Nước chấm phải được pha từ loại mắm cái thượng hạng làm từ cá cơm, cá nục đánh bắt ven biển miền Trung. Mắm cái sau khi gạn ép xác, lọc lấy nước mới cho thêm tỏi ớt, gừng xay, mè rang, chanh… vào cho vừa miệng.

Bài viết được tổng hợp và biên tập bởi Dương Nhung – Content Marketer tại Nội thất Đức Khang – Đơn vị phân phối các sản phẩm bàn làm việc chất lượng, uy tín của các thương hiệu nổi tiếng, trong đó có Hòa Phát. Bạn có thể tham khảo những sản phẩm này tại danh mục: Bàn làm việc Hòa Phát.
5/5 - (2 bình chọn)
Share.

Comments are closed.